Ngày 16 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ở Việt Nam. Theo đó, từ năm 2025 trở đi, doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng IFRS trong việc lập báo cáo tài chính (BCTC).
Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) đã được áp dụng cho 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với những nguyên tắc, chuẩn mực liên tục được cập nhật, thay đổi để phù hợp với thực tiễn, IFRS hướng đến tạo ra một ngôn ngữ kế toán toàn cầu, hạn chế sự khác biệt giữa BCTC của các công ty thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và tin cậy.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), bao gồm 26 chuẩn mực, được ban hành theo các Quyết định của Bộ tài Chính từ 2001 đến 2005 cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã có các Thông tư hướng dẫn chi tiết về cách thức áp dụng nhưng các quy định đã hơn 10 năm không được cập nhật, sửa đổi thường xuyên và nếu so với IFRS còn thiếu nhiều chuẩn mực tương đương.
Bài viết này so sánh sơ bộ IFRS và VAS trên những phương diện cơ bản: hệ thống BCTC, cách tiếp cận giá gốc và giá hợp lý và liệt kê một số các chuẩn mực IFRS có nhưng VAS chưa có.
1. Hệ thống Báo cáo tài chính (Financial statements)
IFRS sử dụng thuật ngữ khác so với VAS và yêu cầu trình bày báo cáo chuyển đổi vốn chủ sở hữu riêng biệt trong khi VAS yêu cầu phân tích sự chuyển đổi vốn chủ sở hữu ở phần thuyết minh BCTC.
VAS 21 – Trình bày Báo cáo tài chính quy định bộ BCTC gồm có các cấu phần sau:
► Bảng cân đối kế toán (Balance sheet)
► Báo cáo kết quả kinh doanh (Income statement)
► Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Statement of cash flow)
► Thuyết minh báo cáo tài chính (Notes to financial statements)
IAS 1 – Trình bày Báo cáo tài chính quy định Bộ BCTC gồm có các cấu phần sau:
► Báo cáo tình hình tài chính (Statement of financial position)
► Báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác (Statement of profit & loss and other comprehensive income)
► Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Statement of cash flow)
► Báo cáo chuyển đổi vốn chủ sở hữu (Statement of changes in equity)
► Thuyết minh Báo cáo tài chính (Notes to financial statements)
Khác với báo cáo kết quả kinh doanh theo VAS 21, IAS 1 yêu cầu trình bày thêm các khoản thu nhập toàn diện khác – là phần lãi/lỗ chưa được ghi nhận do thay đổi trong giá hợp lý của tài sản/công nợ, ví dụ như tài sản cố định vô hình và hữu hình. Một số khoản mục thỏa mãn định nghĩa thu nhập toàn diện khác có thể kể đến như:
► Các khoản chênh lệch khi áp dụng mô hình đánh giá lại đối với TSCĐ
► Chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi từ đồng tiền chức năng sang đồng tiền báo cáo
► Lãi và lỗ ghi nhận trong chương trình phúc lợi cho nhân viên với lợi ích xác định
► Lãi và lỗ từ việc xác định lại giá trị của tài sản tài chính sẵn sàng để bán
► Lãi và lỗ của các công cụ phòng ngừa rủi ro đồng tiền
IAS 1 cho phép trình bày báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác theo 2 hình thức – chức năng (function) và bản chất (nature). Trái lại, VAS 21 chỉ cho phép trình bày báo cáo kết quả kinh doanh theo hình thức chức năng và yêu cầu giải thích về bản chất ở phần thuyết minh BCTC.
Để trình bày theo hình thức chức năng, các khoản chi phí hoạt động sẽ được trình bày theo 1 trong 4 danh mục sau:
► Chi phí bán hàng (Cost of sales)
► Chi phí phân phối (Distribution cost)
► Chi phí quản lý (Administrative cost)
► Thu nhập và chi phí hoạt động khác (Other operating income & expenses)
2. Giá gốc (Historical cost) và giá hợp lý (Fair value)
Sở dĩ cần có sự chuyển đổi từ VAS sang IFRS là vì phương pháp tiếp cận giá gốc không còn phù hợp với thực tiễn thị trường.
Mô hình giá gốc dựa vào giá mua ở quá khứ để ghi nhận giao dịch và lập BCTC. Theo mô hình giá gốc, tài sản và công nợ phải trả sẽ được ghi nhận theo giá tại thời điểm giao dịch và kể cả sau lần ghi nhận ban đầu, tài sản và công nợ phải trả vẫn sẽ được trình bày theo giá gốc. VAS 01 – Chuẩn mực chung đã nêu rõ nguyên tắc giá gốc là 1 trong 7 nguyên tắc kế toán cơ bản:
“Tài sản được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc tài sản được hình thành theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể”.
Về kế toán Tài sản cố định (TSCĐ): IAS 16 – Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị cho phép ghi nhận TSCĐ hữu hình theo mô hình giá gốc và mô hình đánh giá lại (Revaluation model). Trong khi đó VAS 3 – Tài sản cố định hữu hình không cho phép định giá lại tại thời điểm lập báo cáo. Chuẩn mực này cũng không cho phép ghi nhận những chi phí có thể phát sinh như chi phí tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng của TSCĐ vào nguyên giá TSCĐ, ngược lại với quy định của IFRS.
Ưu điểm của mô hình giá gốc là cách tiếp cận đơn giản và đảm bảo được tính tin cậy của thông tin kế toán. Tuy nhiên, mô hình này chỉ cung cấp thông tin quá khứ và không mang tính cập nhật vì không ghi nhận được sự biến động về giá trị của tài sản và nợ phải trả trên thị trường cũng như các khoản tổn thất tài sản. Vì vậy, mô hình giá gốc không phản ánh được đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm lập BCTC, gây rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư và người sử dụng BCTC.
Hiện nay, mô hình giá trị hợp lý đang dần chiếm ưu thế và được ủng hộ áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã bổ sung quy định về các nguyên tắc kế toán liên quan đến giá trị hợp lý trong Luật kế toán sửa đổi năm 2015, song sự thay đổi này được xem là chưa hoàn thiện vì chưa cho phép ghi nhận theo mô hình giá trị hợp lý sau thời điểm ghi nhận ban đầu.
Với xu hướng áp dụng mô hình giá trị hợp lý trong định giá, IFRS đã đưa ra chuẩn mực IFRS 13 – Fair Value Measurement (Đo lường giá trị hợp lý) nhằm cung cấp một bộ khung IFRS duy nhất đo lường giá trị hợp lý và yêu cầu công bố về đo lường giá trị hợp lý.
Giá trị hợp lý là mức giá mà một tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong một giao dịch hoàn toàn ngang giá. Giá trị hợp lý được xác định trên cơ sở mức giá thị trường hoặc được xác định từ các tham số của thị trường. Vì vậy, giá trị hợp lý của tài sản có thể thay đổi theo thời gian tùy vào thời điểm lập BCTC.
Mô hình này khắc phục được nhược điểm của mô hình giá gốc, đảm bảo tài sản, công nợ phải trả của Doanh nghiệp được báo cáo theo mức giá phù hợp với mức giá kỳ vọng chung của thị trường, phù hợp với các quyết định tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường tài chính đang phát triển ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu thị trường chưa hoạt động một cách hoàn chỉnh thì việc định giá theo giá trị hợp lý có thể sẽ không đáng tin cậy.
3. Những chuẩn mực mở rộng của IFRS
IFRS đưa ra một số chuẩn mực mở rộng hơn so với VAS, cụ thể:
► IAS 41 – Agriculture (Nông nghiệp): Mặc dù nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế đất nước nhưng VAS vẫn chưa có chuẩn mực cho những doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp hiện nay đang phải ghi nhận và trình bày cùng với hàng tồn kho hoặc TSCĐ mà chưa được ghi nhận riêng. Trong khi đó, IFRS có IAS 41 – Nông nghiệp (Agriculture) hướng dẫn kế toán đối với hoạt động nông nghiệp – chuyển đổi tài sản sinh học (thực vật và động vật sống) thành sản phẩm nông nghiệp (sản phẩm thu hoạch của tài sản sinh học của doanh nghiệp).
► IFRS 6 – Exploration for and Evaluation of Mineral Resources (Thăm dò và đánh giá tài sản tài nguyên khoáng sản): Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào nhưng VAS không có chuẩn mực về vấn đề này.
► IFRS 7,9 & IAS 32 – Financial instruments (Công cụ tài chính): Thị trường tài chính đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng nhóm chuẩn mực về công cụ tài chính chưa được ban hành, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để ghi nhận công cụ tài chính theo thông lệ quốc tế. Gần đây, một số doanh nghiệp đã sử dụng công cụ phái sinh (Derivatives) cho mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất hoặc giá cả hàng hóa nhưng chưa có các quy định về kế toán phòng ngừa rủi ro.
► IFRS 2 – Share-based payment (Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu).
► IAS 19 – Employee Benefits (Phúc lợi cho người lao động): VAS không quy định cụ thể, tuy nhiên Việt Nam có Luật lao động cũng như các thông tư hướng dẫn về bảo hiểm xã hội hướng dẫn về các khoản phúc lợi cho người lao động.
► IAS 20 – Accounting for Government Grants and Disclosure of Government Assisstance (Kế toán các khoản trợ cấp của Chính phủ và công bố thông tin về sự hỗ trợ của Chính phủ).
Với những tồn tại của các chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS, việc chuyển đổi và áp dụng IFRS được xem là một bước ngoặt lớn, là một nhu cầu cấp thiết và là yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn với các thị trường tài chính quốc tế, đồng thời tạo ra những tác động tích cực lên nền kinh tế trong nước.